“Đầu độc” cả cộng đồng
Vài ngày gần đây, câu chuyện tại một cơ sở thu mua lợn ở Bình Dương, mỗi ngày có khoảng 300 con lợn được bơm nước để tăng trọng lượng, sau đó tiêm thuốc an thần, đã khiến nhiều người cảm thấy hãi hùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh-Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) phân tích: Việc tiêm thuốc an thần cho lợn nhằm mục đích để lợn nằm yên, ngủ li bì trong quá trình vận chuyển, lợn không kêu la, cắn nhau gây mất nước, giảm cân. Những hành động này không chỉ là gian lận thương mại mà quan trọng còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường bởi người tiêu dùng ăn phải loại thịt được bơm nước bẩn, tiêm thuốc an thần chính là gián tiếp đưa độc tố vào người.
Xung quanh câu chuyện kể trên, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) nhận định: Thực tế, từ cuối năm 2015, cơ quan chức năng đã bắt đầu tiếp nhận thông tin về tình trạng lợn bị tiêm thuốc an thần sau khi bơm nước. Tuy nhiên, đến nay đây vẫn là vấn đề mới mẻ, khó khăn trong xử lý bởi lợn bị tiêm thuốc an thần không thể chỉ nhìn, xác định bằng mắt thường được. Muốn xác định tồn dư thuốc an thần trong lợn để xử lý thỏa đáng phải xét nghiệm kỹ càng.
Ngoài thông tin lợn được tiêm thuốc an thần, hiện nay vụ việc sử dụng hoá chất để nhuộm ruốc ở chân cầu Gành Đỏ (Sông Cầu, Phú Yên) cũng đang khiến dư luận hoang mang. Theo ông Thịnh, rất có thể phẩm màu dùng để nhuộm ruốc mà ngư dân dùng là chất Rhodamine B, một loại chất nhuộm màu đỏ, dùng để cho vào thực phẩm tạo màu, nhưng chất này đã bị cấm và vô cùng độc hại.
Trước hai vụ việc nêu trên, vô số vụ việc khác về mất ATTP cũng từng được “phanh phui” như việc sử dụng chất cấm Salbutamol, Vàng Ô... Đây thực sự là điều làm cho bất cứ người tiêu dùng nào cũng phải lo ngại vì không biết bao giờ mới trả lời được câu hỏi “ăn gì cho an toàn?”
Lý luận “ngây thơ”
Không ít người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các địa phương như Bình Dương, Bến Tre khi được hỏi thì nói rằng, dùng chất cấm nhưng lợn nuôi lớn không giết thịt, bán tại địa phương mà chỉ bán ở khu vực TP. HCM nên gia đình, làng xóm có thể yên tâm! Tương tự, nhiều hộ trồng rau tại những vùng trồng rau lớn trên cả nước cũng khẳng định, rau “tắm” thuốc sâu không bán tại địa phương mà chỉ đem ra thành phố tiêu thụ, gia đình đã trồng những luống rau riêng để sử dụng.
Bên cạnh sự “hồn nhiên”, ích kỷ đó, phải thừa nhận lợi nhuận mới là thứ quan trọng nhất khiến người ta bất chấp mọi thứ, kể cả lương tâm, để không ngừng đầu độc chính người dân mình. Điều này thể hiện khá rõ ở việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Lợn sử dụng chất cấm, lợi nhuận thu về của người chăn nuôi sẽ dao động từ 500.000-1 triệu đồng/con. Liên quan tới vấn đề này, ông Dũng đưa ra dẫn chứng cụ thể phân tích lợi nhuận “khủng” đối với đối tượng buôn bán chất cấm. Cụ thể, trong đợt cao điểm hành động “Năm vệ sinh ATTP” do Bộ NN&PTNT triển khai từ giữa tháng 10-2015 đến cuối tháng 2-2016 vừa qua, cơ quan Công an đã bắt giữ được 4 đối tượng trong quá trình “tuồn” Salbutamol ra thị trường tiêu thụ cho những người sử dụng trong chăn nuôi. “Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện giá cả NK Salbutamol 98% của bên ngành Y tế là khoảng 1,6 triệu đồng/kg, trong khi đó giá bán ra đến người chăn nuôi sử dụng lên tới 15 triệu đồng/kg. Mức lợi nhuận này còn cao hơn cả buôn bán ma túy”, ông Dũng nhấn mạnh.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, vì sao thời gian gần đây, khi công tác tăng cường đảm bảo vệ sinh ATTP nói chung, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi nói riêng được các bộ, ngành thúc đẩy ráo riết thì các vụ vi phạm ATTP bị phát hiện càng nhiều, phải chăng có biện pháp nào đó đang bị phản tác dụng, càng làm càng thấy vấn đề nóng bỏng hơn? Về khía cạnh này, ông Dũng cho rằng, những năm trước đây các sai phạm vẫn tồn tại, nhất là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa thực sự đến nơi đến chốn, xử lý chưa triệt để nên mức độ phát hiện, xử lý sai phạm còn hạn chế. Đến nay, các bộ, ngành rốt ráo vào cuộc thì các sai phạm mới có dịp bung ra.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT: Trong đợt cao điểm hành động “Năm vệ sinh ATTP”, các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Cụ thể, 46/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm (chiếm 2,1%) và xử lý theo quy định; phát hiện 12/649 (chiếm 1,8%) mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm Salbutamol, 69/1.026 mẫu nước tiểu (chiếm 6,7%), 1/172 mẫu thịt (chiếm 0,6%) có sử dụng chất cấm Salbutamol.
|