Bạn có thể biến những chiếc smartphone cũ thành camera an ninh. - Ảnh: iChano
Để thiết lập được một hệ thống camera an ninh có thể theo dõi từ xa như trên, ngoài những chiếc smartphone được sử dụng làm camera, tất nhiên bạn cần có mạng Wi-Fi (3G - khá tốn tiền) để kết nối chúng.
Bạn cũng cần một chiếc điện thoại khác - tốt nhất là điện thoại đang sử dụng - để điều khiển, xem những hình ảnh do các camera an ninh chuyển về. Và cuối cùng, để kết nối các thiết bị này với nhau, bạn cần một phần mềm có chức năng biến điện thoại thành camera an ninh và chuyển tín hiệu về điện thoại của chủ nhân.
Hầu hết những chiếc smartphone giá rẻ hiện này đều dùng Android và hệ điều hành này cũng có rất nhiều phần mềm có thể biến điện thoại thành camera an ninh.
Trong bài viết này, người viết giới thiệu đến bạn đọc phiên bản miễn phí của phần mềm Athome Camera của nhà phát triển iChano. Phần mềm này có sẵn trên các kho ứng dụng Apple Appstore, Google Play, Windows… Bạn có thể tùy chọn theo hệ điều hành của thiết bị mình sử dụng.
Biến smartphone thành camera an ninh
Với những chiếc smartphone Android bạn có ý định dùng làm camera, bạn cần tải phần mềm Athome Video Streamer về cài đặt trên máy. Sau đó bạn chạy ứng dụng lên và sửa lại tên người dùng, mật khẩu đăng nhập camera để đảm bảo bảo mật cá nhân.
Chọn vị trí đặt camera an ninh hợp lý sau khi đã thiết lập các thông tin người dùng và mật khẩu truy nhập. - Ảnh: Đức Thiện
Đồng thời lúc này, một mã số được gắn cho camera này cũng được hệ thống thiết lập. Mã số này gọi là CID (Connection ID - định danh kết nối). Bạn cần nhớ mã số này cũng như tên và mật khẩu đăng nhập để sử dụng sau này. Bạn cũng có thể đặt tên cho camera để dễ dàng phân biệt với các camera khác (nếu sử dụng cùng lúc nhiều camera an ninh), chẳng hạn như: phòng khách, cửa hàng, trẻ con…
Sau đó, bạn có thể nhấn nút Dim ở góc phải phía trên giao diện ứng dụng để màn hình điện thoại tắt nhưng ứng dụng vẫn chạy (hoặc bấm tắt màn hình, nhưng không tắt nguồn), rồi đem đặt “camera di động” ở bất kỳ vị trí nào bạn muốn, tất nhiên bạn nên chọn nơi có thể bao quát được khu vực cần theo dõi.
Lưu ý, smartphone có đến hai camera trước và sau nên nếu khéo đặt chỗ, bạn có thể sử dụng cả hai để quan sát khu vực ở mặt trước lẫn sau của điện thoại. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chọn chỗ có thể cắm sạc vào ổ điện nếu muốn camera của mình hoạt động 24/24.
Cài đặt thiết bị quan sát
Sau khi đã cài đặt và thiết lập cho các camera an ninh xong, bạn bắt đầu tiến hành cài đặt cho thiết bị được chọn để quan sát video từ các camera an ninh chuyển về. Với các điện thoại Android, bạn vào kho ứng dụng và tìm tải phần mềm Athome Camera - Home Security về máy.
Khi khởi chạy lần đầu, ứng dụng sẽ đề nghị bạn đăng ký tài khoản hoặc đăng nhập nếu đã có tài khoản. Tuy nhiên bạn cũng có thể lựa chọn bắt đầu sử dụng ngay (Start to use now) mà không cần đăng ký hay đăng nhập tài khoản.
Bạn có thể quan sát hình ảnh thu được từ các camera an ninh mọi lúc mọi nơi, miễn có kết nối mạng. - Ảnh: Đức Thiện
Khi đó, ứng dụng yêu cầu bạn lựa chọn loại thiết bị dùng làm camera (laptop, smartphone, camera ip). Bạn chọn smartphone và nhấp tiếp theo cho đến khi xuất hiện màn hình quét mã vạch thiết bị dùng làm camera an ninh.
Nếu không muốn hoặc không tiện quét mã vạch QR, bạn có thể chọn nhập thông tin thủ công bằng cách nhấn vào biểu tượng bút chì phía trên góc phải giao diện ứng dụng. Tiếp theo bạn nhập các thông số như: mã số CID, tên đăng nhập, mật khẩu của camera. Nếu có nhiều camera khác nhau, bạn cũng làm theo cách tương tự để nhập chúng vào một hệ thống quan sát cá nhân của mình.
Theo dõi mọi lúc, mọi nơi
Sau khi cài đặt xong, bạn sẽ nhìn thấy các camera hiển thị trên màn hình chính của ứng dụng Athome Camera - Home Security cùng với tình trạng hoạt động của chúng (online hoặc offline). Bạn cũng dễ dàng phân biệt các camera đã được đặt ở đâu nhờ lúc thiết lập (đặt tên camera) ban đầu.
Từ bây giờ, muốn quan sát camera nào, bạn chỉ việc bấm chọn camera đó để xem khung cảnh đang diễn ra theo thời gian thực.
Điều đặt biệt của phần mềm này chính là những tính năng điều chỉnh và tương tác với camera cho phép người dùng dễ dàng quan sát và xử lý khi có điều bất bình thường xảy ra.
Trên màn hình hiển thị hình ảnh của mỗi camera, bạn sẽ thấy phần phía dưới hiển thị 6 chức năng để sử dụng camera như sau:
- Mute (biểu tượng loa): Theo thiết lập mặc định, bạn sẽ nghe được âm thanh đang diễn ra trong khu vực đặt camera an ninh. Nếu không muốn nghe (do có thể đặt ở khu vực ồn ào), bạn hãy bấm nút này để chỉ theo dõi hình ảnh, không nghe âm thanh.
- Record (ghi hình): Nếu phát hiện có sự việc bất thường hoặc đơn giản bạn muốn ghi lại một cảnh tượng nào đó đang diễn ra trong tầm “mắt” của camera an ninh, bạn hãy bấm nút Record và bắt đầu ghi hình cho đến khi bạn bấm lại nút này lần nữa để ngưng. Bạn cũng có thể thiết lập mặc định cho camera an ninh tự động ghi hình theo thời gian do mình mong muốn.
Tuy nhiên bộ nhớ điện thoại có hạn là điều khiến bạn phải cân nhắc. Nếu theo dõi ngắn trong ngày thì được, nhưng nếu theo dõi dài ngày bạn cần phải nâng cấp lên phiên bản tốn tiền để sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây của nhà cung cấp.
- Hold to talk (Micro để nói chuyện): Khi bạn bấm giữ nút này, hai chiếc điện thoại sẽ giữ đúng vai trò liên lạc của nó, bạn nói và âm thanh sẽ phát ra loa ngoài của điện thoại camera an ninh. Chức năng này cho phép bạn có thể giao tiếp nhanh với con mình, hay người nhà… nằm trong khu vực đặt camera giám sát.
- Capture (chụp hình): Bấm nút này nếu bạn muốn chụp lại khung hình bạn đang nhìn thấy lúc quan sát.
- Switch (chuyển đổi camera): Các smartphone dùng làm camera quan sát thường có 2 camera phía trước và phía sau. Đây là phím bấm giúp bạn chuyển đổi giữa hai camera này để có nhiều khu vực quan sát hơn.
- Flash (phát sáng): Nếu bấm nút này, đèn flash phía sau thân máy hoặc màn hình nếu đang dùng camera trước sẽ phát sáng ngay lập tức. Tính năng này có vẻ được thiết lập dùng để thu hút sự chú ý nhiều hơn là cảnh báo hay đe dọa.
Hoàng Dũng sưu tầm